Hà Nội mùa sấu

Hà Nội mùa sấu

Người Hà Nội xem sấu là một thứ đặc sản dù nó không phải "cao lương mĩ vị" gì, thậm chí cực giản đơn, nhưng mỗi khi đi xa lại có dịp để nhớ. Người Bắc vào Nam thường rất nhớ mùa sấu chín của Hà Nội. Họ nhớ dáng vẻ xanh tươi có phần xù xì bên ngoài, nhớ mùi vị chua êm ái, thanh thanh bên trong.

Sấu đầu mùa được bán ra phủ một màu xanh nõn nà, người đi đường dừng xe nếm thử quả sấu mà tưởng như trải qua nhiều cung bậc cảm xúc thật thú vị. Sấu xanh chua mà không gắt như chanh, khi ăn với muối sẽ thấy chua man mát. Vị chan chát cộng với vị mặn của muối trên đầu lưỡi sẽ khiến bạn "rùng mình" một cách khoan khoái.

Với thứ quả nhỏ nhắn, phổ biến nhất và cũng hợp nhất, chính là món rau muống luộc sấu. Vớt ra khỏi nồi những cọng rau xanh ngắt, bà nội trợ mới bỏ vài quả sấu đã nạo vỏ vào. Đun sôi thêm chốc lát, sấu mềm bở ra là vừa. Một nửa số sấu dầm cho bát canh thanh lành, một nửa dầm vào bát nước mắm.

Sấu có thể được chế biến với vịt làm món Vịt om sấu, chế biến thành ô mai sấu, mứt sấu;  sấu dầm đường, sấu ngâm mắm, sấu ngâm tỏi ớt....

Mùa sấu thường kéo dài khoảng 2-3 tháng, từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm.

Quả sấu non trên cao

Chót trên cành cao vót

Mấy quả sấu con con

Như mấy chiếc khuy lục

Trên áo trời xanh non.

 

Trời rộng lớn muôn trùng

Đóng khung vào cửa sổ

Làm mấy quả sấu tơ

Càng nhỏ xinh hơn nữa.

 

Trái con chưa đủ nặng

Để đeo oằn nhánh cong.

Nhánh hãy giơ lên thẳng

Trông ngây thơ lạ lùng.

 

Cứ như thế trên trời

Giữa vô biên sáng nắng

Mấy chú quả sấu non

Giỡn cả cùng mây trắng.

 

Mấy hôm trước còn hoa

Mới thơm đây ngào ngạt,

Thoáng như một nghi ngờ.

Trái đã liền có thật.

 

Ôi! Từ không đến có

Xảy ra như thế nào?

Nay má hây hây gió

Trên lá xanh rào rào.

 

Một ngày một lớn hơn

Nấn từng vòng nhựa một,

Một sắc nhựa chua giòn

Ôm đọng tròn quanh hột...

 

Trái con như thách thức

Trăm thứ giặc, thứ sâu

Thách kẻ thù sự sống,

Phá đời không dễ đâu!

 

Chao! Cái quả sấu non

Chưa ăn mà đã giòn.

Nó lớn như trời vậy,

Và sẽ thành ngọt ngon.

 

11-1967

Nguồn: Xuân Diệu, Tôi giàu đôi mắt, NXB Văn học, 1970

 

 

1
Bạn cần hỗ trợ?